Bộ luật lao động số 45/2019/QH14 của Quốc hội
Từ 01/01/2021, không còn hợp đồng lao động theo thời vụ
Đây là một trong những điểm mới của Bộ luật Lao động 45/2019/QH14 được Quốc hội thông qua ngày 20/11/2019.
Cụ thể, trước đây theo quy định tại Bộ luật Lao động năm 2012, có 03 loại hợp đồng lao động (HĐLĐ) là: HĐLĐ không xác định thời hạn; HĐLĐ xác định thời hạn; HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng. Hiện nay, theo quy định mới thì chỉ còn 02 loại HĐLĐ. Từ ngày 01/01/2021, người sử dụng lao động không được ký kết hợp đồng thời vụ với người lao động.
Mặt khác, Bộ luật cũng quy định người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà không cần lý do, thậm chí trong một số trường hợp cụ thể, người lao động có thể đơn phương chấm dứt HĐLĐ mà không cần báo trước. Cụ thể: Người lao động không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc; Không được trả đủ lương hoặc trả lương không đúng thời hạn; Bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc…
Bên cạnh đó, Bộ luật còn quy định tăng tuổi nghỉ hưu đối với lao động nam làm việc trong điều kiện bình thường từ 60 tuổi lên 62 tuổi vào năm 2028 và tăng từ 55 tuổi lên đến 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035. Bắt đầu từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của lao động nam trong điều kiện bình thường là 60 tuổi 03 tháng và nữ là 55 tuổi 04 tháng. Sau đó, mỗi năm tuổi nghỉ hưu sẽ tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam và 04 tháng đối với lao động nữ.
Bộ luật Lao động có hiệu lực từ ngày 01/01/2021.
Bộ luật này:
– Làm hết hiệu lực Bộ luật Lao động 2012;
– Làm hết hiệu lực một phần Bộ luật Tố tụng dân sự 2015;
– Sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm xã hội 2014.
Xem chi tiết Bộ luật 45/2019/QH14 tại đây