11 việc Kế toán, Nhân sự phải làm ngay trước Tết Âm lịch 2021
Chỉ còn hơn 01 tháng nữa sẽ chính thức bước vào kỳ nghỉ Tết Âm lịch 2021. Đây là giai đoạn các doanh nghiệp cần hoàn thành một số hồ sơ, sổ sách để kết thúc năm làm việc 2020. Dưới đây là 11 việc Kế toán, Nhân sự phải làm ngay trước Tết Âm lịch 2021.
1. Báo cáo về tình hình biến động lao động trong tháng 12/2020 (nếu có)
Theo khoản 2 Điều 16 Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH quy định trước ngày 03 hằng tháng, doanh nghiệp phải thông báo với Trung tâm dịch vụ việc làm nơi đặt trụ sở làm việc về tình hình biến động lao động làm việc tại đơn vị (tính theo tháng dương lịch của tháng liền trước thời điểm thông báo).
Như vậy, trước ngày 03/01/2021, doanh nghiệp phải hoàn thành xong việc báo cáo tình hình biến động lao động của tháng 12/2020.
2. Nộp báo cáo tình hình tham gia bảo hiểm thất nghiệp
Theo Điều 32 Nghị định 28/2015/NĐ-CP và Điều 18 Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH quy định trước ngày 15 tháng 01 hằng năm, người sử dụng lao động phải báo cáo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội về tình hình tham gia bảo hiểm thất nghiệp của năm trước.
Như vậy, trước ngày 15/01/2021, doanh nghiệp phải nộp báo cáo về tình hình tham gia bảo hiểm thất nghiệp năm 2020 đến Sở Lao động và Thương binh – Xã hội.
3. Báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn tháng 12/2020
Tại Điều 27 Thông tư 39/2014/TT-BTC, khoản 4 Điều 5 Thông tư 119/2014/TT-BTC và Mục 10 Công văn 1839/TCT-CS quy định thì chậm nhất vào ngày 20/01/2021, doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế hoặc đang sử dụng hóa đơn tự in, đặt in có hành vi vi phạm về hóa đơn bị xử lý vi phạm hành chính về hành vi trốn, gian lận thuế thì phải báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn với cơ quan thuế quản lý trực tiếp.
Lưu ý: Trong năm 2021 sẽ chưa bắt buộc áp dụng hóa đơn điện tử.
Cụ thể, theo quy định tại khoản 3 Điều 59, khoản 1 Điều 60 Nghị định 123/2020/NĐ-CP thì không bắt buộc các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác, hộ, cá nhân kinh doanh phải hoàn thành việc tổ chức thực hiện hóa đơn điện tử, hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế từ ngày 01/11/2020 mà sẽ lùi thời hạn bắt buộc áp dụng hóa đơn điện tử từ ngày 01/07/2022. Tuy nhiên, trong trường hợp cơ quan thuế thông báo cơ sở kinh doanh thực hiện áp dụng hóa đơn điện tử trước ngày 01/07/2022 và cơ sở kinh doanh đáp ứng điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin thì bắt buộc phải áp dụng hóa đơn điện tử trước ngày 01/07/2022.
4. Nộp tờ khai thuế thu nhập cá nhân tháng 12/2020
Theo khoản 3 Điều 10 Thông tư 156/2013/TT-BTC quy định trong mỗi tháng nếu doanh nghiệp có khấu trừ thuế thu nhập cá nhân thì phải thực hiện nộp hồ sơ khai thuế thu nhập cá nhân tại cơ quan thuế trực tiếp quản lý doanh nghiệp, chậm nhất là ngày thứ 20 của tháng liền sau.
Theo đó, hạn chót là ngày 20/01/2021, doanh nghiệp phải thực hiện xong việc nộp hồ sơ khai thuế thu nhập cá nhân của tháng 12/2020.
Lưu ý: Quy định trên chỉ áp dụng đối với doanh nghiệp áp dụng hình thức khai thuế theo tháng, nếu trong tháng doanh nghiệp không phát sinh khấu trừ thuế thu nhập cá nhân thì không cần phải nộp tờ khai của tháng đó.
5. Nộp tờ khai thuế giá trị gia tăng tháng 12/2020
Theo điểm a khoản 2 Điều 11 và điểm a khoản 3 Điều 10 Thông tư 156/2013/TT-BTC quy định doanh nghiệp có tổng doanh thu bán hàng hoá và cung cấp dịch vụ của năm trước liền kề trên 50 tỷ đồng thì phải nộp tờ khai thuế giá trị gia tăng theo tháng, chậm nhất vào ngày 20 tháng liền kề.
Như vậy, chậm nhất là ngày 20/01/2021, những doanh nghiệp này phải thực hiện xong việc nộp hồ sơ khai thuế giá trị gia tăng của tháng 12/2020.
6. Tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp quý IV năm 2020
Theo Điều 12a vào sau Điều 12 Thông tư 156/2013/TT-BTC được bổ sung bởi Thông tư 151/2014/TT-BTC quy định căn cứ kết quả sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp thực hiện tạm nộp số thuế thu nhập doanh nghiệp của quý chậm nhất vào ngày thứ 30 của quý tiếp theo quý phát sinh nghĩa vụ thuế.
Như vậy, ngay trong quý IV năm 2020 hoặc chậm nhất vào ngày 30/01/2021, doanh nghiệp phải thực hiện tạm nộp số thuế thu nhập doanh nghiệp của quý IV năm 2020.
7. Trích nộp tiền BHXH, BHYT, BHTN tháng 01/2021
Theo khoản 1 Điều 7, Điều 16 và khoản 1 Điều 19 Quyết định 595/QĐ-BHXH quy định hằng tháng, chậm nhất đến ngày cuối cùng của tháng, doanh nghiệp phải trích đóng BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN trên quỹ tiền lương tháng của những người lao động tham gia BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN. Đồng thời trích từ tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN của từng người lao động theo mức quy định, chuyển cùng một lúc vào tài khoản chuyên thu của cơ quan bảo hiểm xã hội mở tại ngân hàng hoặc Kho bạc Nhà nước.
Như vậy, ngày 31/01/2021 là hạn chót để doanh nghiệp phải hoàn thành việc trích đóng BHXH, BHYT, BHTN của tháng 01/2021 cho người lao động.
8. Kê khai và nộp lệ phí môn bài
Theo khoản 1 Điều 10 Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật quản lý thuế quy định về nghĩa vụ nộp lệ phí môn bài như sau:
Người nộp lệ phí môn bài (trừ hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh) mới thành lập (bao gồm cả doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển từ hộ kinh doanh) hoặc có thành lập thêm đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh hoặc bắt đầu hoạt động sản xuất, kinh doanh thực hiện nộp hồ sơ khai lệ phí môn bài chậm nhất là ngày 30/01 năm sau năm thành lập hoặc bắt đầu hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Trường hợp trong năm có thay đổi về vốn thì người nộp lệ phí môn bài nộp hồ sơ khai lệ phí môn bài chậm nhất là ngày 30 tháng 01 năm sau năm phát sinh thông tin thay đổi.
Riêng hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không phải nộp hồ sơ khai lệ phí môn bài. Cơ quan thuế căn cứ hồ sơ khai thuế, cơ sở dữ liệu quản lý thuế để xác định doanh thu làm căn cứ tính số tiền lệ phí môn bài phải nộp và thông báo cho người nộp lệ phí môn bài thực hiện theo quy định.
Như vậy, ngày 30/01/2021 là hạn chót để các doanh nghiệp hoàn thành nghĩa vụ kê khai và nộp lệ phí môn bài.
9. Báo cáo về việc sử dụng chứng từ khấu trừ tự in
Tại Điều 5 Thông tư 37/2010/TT-BTC quy định tổ chức trả thu nhập sử dụng chứng từ khấu trừ tự in trên máy vi tính phải thực hiện báo cáo tình hình sử dụng chứng từ khấu trừ với cơ quan thuế nơi đăng ký sử dụng chứng từ khấu trừ tự in chậm nhất là ngày 30 của tháng đầu quý sau.
Như vậy, chậm nhất là ngày 30/1/2021, doanh nghiệp phải thực hiện xong việc báo cáo tình hình sử dụng chứng từ khấu trừ tự in trên máy tính của quý IV năm 2020.
10. Nộp kinh phí công đoàn tháng 01/2021
Theo khoản 2 Điều 6 Nghị định 191/2013/NĐ-CP quy định doanh nghiệp dù có hay chưa có tổ chức Công đoàn cũng phải đóng kinh phí Công đoàn mỗi tháng một lần vào cùng thời điểm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động, mức đóng là 2% của quỹ tiền lương làm căn cứ đóng Bảo hiểm xã hội cho người lao động.
Như vậy, chậm nhất là ngày 31/01/2021, doanh nghiệp phải hoàn thành việc đóng khoản phí này tại Phòng kế toán của Liên đoàn lao động quận, huyện nơi doanh nghiệp đăng ký kinh doanh.
11. Nộp thang lương, bảng lương cho Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội (nếu có)
Tại phiên họp ngày 05/8/2020, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã tiến hành bỏ phiếu với phương án: “Tiếp tục thực hiện tiền lương tối thiểu vùng theo tháng đến hết năm 2021 (không điều chỉnh trong năm 2021). Đồng thời, chưa ban hành tiền lương tối thiểu theo giờ năm 2021 để đồng bộ với tiền lương tối thiểu theo tháng”. Phương án này đã được trình lên Chính phủ để xem xét, quyết định. Theo đó, dự kiến mức lương tối thiểu vùng 2021 sẽ không có gì thay đổi so với năm 2020.
Như vậy, mức lương tối thiểu vùng 2021 dự kiến sẽ được giữ nguyên như năm 2020 và thực hiện theo quy định tại Nghị định 90/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc.
Theo đó, nếu đầu năm 2021, các doanh nghiệp có thể không sửa đổi, bổ sung thang lương, bảng lương như mọi năm (thay đổi theo mức mức lương tối thiểu vùng) thì có thể không phải nộp thang lương, bảng lương cho cơ quan có thẩm quyền.
Trường hợp doanh nghiệp thực hiện xây dựng hoặc sửa đổi, bổ sung thang lương, bảng lương thì phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện tập thể người lao động tại doanh nghiệp và công bố công khai tại nơi làm việc của người lao động trước khi thực hiện. Đồng thời gửi cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện nơi đặt cơ sở sản xuất của doanh nghiệp.