Cách viết hóa đơn GTGT trong công trình xây dựng
Thời điểm xuất hóa đơn hợp đồng xây dựng? Đại lý Thuế 247 xin hướng dẫn cách viết hóa đơn xây dựng, thời điểm xuất hóa đơn GTGT trong công trình xây dựng theo quy định tại Thông tư 39/2014/TT-BTC của Bộ tài chính.
1. Thời điểm xuất hóa đơn trong xây dựng
Theo khoản 2 điều 16 Thông tư 39/2014/TT-BTC quy định:
Ngày lập hóa đơn đối với xây dựng, lắp đặt là thời điểm nghiệm thu, bàn giao công trình, hạng mục công trình, khối lượng xây dựng, lắp đặt hoàn thành, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.
– Trường hợp giao hàng nhiều lần hoặc bàn giao từng hạng mục, công đoạn dịch vụ thì mỗi lần giao hàng hoặc bàn giao đều phải lập hóa đơn cho khối lượng, giá trị hàng hóa, dịch vụ được giao tương ứng.
– Trường hợp tổ chức kinh doanh bất động sản, xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng nhà để bán, chuyển nhượng có thực hiện thu tiền theo tiến độ thực hiện dự án hoặc tiến độ thu tiền ghi trong hợp đồng thì ngày lập hóa đơn là NGÀY THU TIỀN.
—————————————————————————–
Như vậy:
– Khi có biên bản nghiệm thu, bàn giao công trình, hạng mục hoặc từng hạng mục -> Là phải lập hóa đơn. (Các khoản tạm ứng trước thì chưa phải lập hóa đơn)
– Nếu thu tiền theo tiến độ -> Thì ngày thu tiền là phải lập hóa đơn (Áp dụng cho trường hợp kinh doanh bất động sản, xây dựng cơ sở hạ tầng, xây nhà để bán, chuyển nhượng)
Tiền đặt cọc mua mua nhà, căn hộ có xuất hóa đơn không?
– Đối với tiền đặt cọc: Trường hợp khi Công ty có nhận một khoản tiền đặt cọc của khách hàng trước khi ký hợp đồng để đảm bảo việc giữ chỗ mua căn hộ hình thành trong tương lai (bao gồm cả trường hợp khách hàng tiếp tục ký hợp đồng hoặc khách hàng không ký hợp đồng mua căn hộ) nếu việc thu tiền đặt cọc không nằm trong tiến độ thực hiện dự án hoặc tiến độ thu tiền ghi trong hợp đồng, thì Công ty chưa phải lập hóa đơn GTGT.
Xem thêm: Cách hạch toán tiền đặt cọc
– Đối với việc sử dụng hóa đơn: Công ty có thực hiện thu tiền mua căn hộ của khách hàng theo tiến độ, trường hợp cùng một khách hàng nộp tiền cho một hợp đồng nhiều lần trong ngày thì đơn vị xuất 01 hóa đơn tổng trong ngày theo quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 16 Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính.
(Theo công văn 39313/CT-HTr ngày 13/06/2016 của Cục thuế TP Hà Nội)
———————————————————————
Trường hợp 53 khách hàng chuyển tiền vào tài khoản của Công ty để đặt cọc giữ chỗ mua căn hộ dự án (từ năm 2010, 2011, 2012), khách hàng chưa ký hợp đồng mua bán cũng như chưa có bất kỳ văn bản thảo thuận nào về việc mua bán căn hộ thì Công ty chưa phải lập hóa đơn GTGT.
Trường hợp khoản tiền của 53 khách hàng chuyển tiền vào tài khoản của Công ty là khoản tiền mua căn hộ được thực hiện thanh toán theo tiến độ thực hiện dự án hoặc tiến độ thu tiền trong hợp đồng với Công ty thì Công ty phải lập hóa đơn GTGT theo quy định tại Khoản 2 Điều 16 Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/03/2014 của Bộ Tài chính nêu trên.
Trong trường hợp đến thời điểm bắt buộc thực hiện giao dịch theo như thỏa thuận đặt cọc giữa Công ty và khách hàng mà khách hàng không đến để thực hiện giao dịch thì Công ty được ghi nhận khoản tiền trên vào thu nhập khác.
(Theo Công văn 68718/CT-TTHT ngày 12/10/2018 của Cục thuế TP Hà Nội)
———————————————————————–
Khoản tạm ứng hợp đồng xây dựng có xuất hóa đơn?
– Trường hợp Công ty Sumitomo Mitsui liên danh với Công ty CP Tập đoàn Cienco4 (sau đây gọi là liên danh) ký hợp đồng với chủ đầu tư là Ban quản lý dự án Thăng Long để thực hiện dự án xây dựng cầu cạn đoạn Mai Dịch- Nam Thăng Long- đây là dự án sử dụng vốn vay ODA từ chính phủ Nhật Bản và được ngân sách nhà nước bố trí vốn đối ứng để thanh toán tiền thuế GTGT đầu ra cho nhà thầu. Liên danh đã nhận tạm ứng 15% giá trị hợp đồng (không bao gồm thuế GTGT) là 128.833.287.092 VND,
đồng thời Liên danh yêu cầu Ban quản lý thanh toán phần tiền thuế GTGT cho số tiền tạm ứng nêu trên
=> Nếu đây là khoản tiền tạm ứng hợp đồng xây dựng do bên giao thầu ứng trước không lãi suất cho bên nhận thầu để thực hiện các công tác chuẩn bị cần thiết trước khi triển khai thực hiện các công việc theo hợp đồng thì khi nhận được khoản tiền tạm ứng nêu trên Công ty lập chứng từ thu theo quy định, chưa phải lập hóa đơn GTGT. Khoản tiền tạm ứng Công ty nhận được chưa xác định là doanh thu chịu thuế TNDN nên chưa phải kê khai để tính thuế TNDN.
Trường hợp còn vướng mắc, đề nghị đơn vị liên hệ Phòng Kiểm tra thuế số 1 để được hướng dẫn.
(Theo Công văn 68814/CT-TTHT ngày 12/10/2018 của Cục thuế TP Hà Nội)
Khách hàng trả lại nhà, căn hộ chung cư đã xuất hóa đơn:
Căn cứ quy định nêu trên, trường hợp Công ty cổ phần Tu tạo và Phát triển nhà ký hợp đồng bán bất động sản hình thành trong tương lai với khách hàng, khi thu tiền theo tiến độ của hợp đồng đã lập hóa đơn GTGT, kê khai nộp thuế GTGT, TNDN theo quy định, nay khách hàng mua đề nghị Công ty chấm dứt hợp đồng hoàn trả lại tiền đã thanh toán theo tiến độ thì việc chấm dứt hay phải tiếp tục thực hiện hợp đồng mua bán bất động sản hình thành trong tương lai là do thỏa thuận và quyết định của Công
ty (bên bán) và khách hàng – bên mua (quy định tại hợp đồng, phụ lục hợp đồng hoặc các văn bản thỏa thuận khác được ký kết giữa 2 bên).
Công ty và khách hàng (là doanh nghiệp) có thỏa thuận chấm dứt hợp đồng, trả lại tiền đã thanh toán theo tiến độ thì thủ tục về hóa đơn được thực hiện theo hướng dẫn tại Điều 20 Thông tư số 39/2014/TT-BTC.
(Chi tiết xem tại đây: Cách xử lý hóa đơn viết sai)
Trường hợp Công ty và khách hàng (là cá nhân) có thỏa thuận chấm dứt hợp đồng, trả lại tiền đã thanh toán theo tiến độ thì thủ tục về hóa đơn được thực hiện theo hướng dẫn tại Điều 2.8 Phụ lục 4 ban hành kèm theo Thông tư số 39/2014/TT-BTC.
(Chi tiết xem tại đây: Cách xử lý hàng trả lại)
Về lập chứng từ đối với khoản chi tiền bồi thường vi phạm hợp đồng:
Căn cứ khoản 1, điều 5 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế GTGT quy định về các trường hợp không phải kê khai tính nộp thuế GTGT:
“1. Tổ chức, cá nhân nhận các khoản thu về bồi thường bằng tiền (bao gồm cả tiền bồi thường về đất và tài sản trên đất khi bị thu hồi đất theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền), tiền thưởng, tiền hỗ trợ, tiền chuyển nhượng quyền phát thải và các khoản thu tài chính khác.
Cơ sở kinh doanh khi nhận khoản tiền thu về bồi thường, tiền thưởng, tiền hỗ trợ nhận được, tiền chuyển nhượng quyền phát thải và các khoản thu tài chính khác thì lập chứng từ thu theo quy định. Đối với cơ sở kinh doanh chi tiền, căn cứ mục đích chi để lập chứng từ chi tiền.
Trường hợp bồi thường bằng hàng hóa, dịch vụ, cơ sở bồi thường phải lập hóa đơn và kê khai, tính, nộp thuế GTGT như đối với bán hàng hóa, dịch vụ; cơ sở nhận bồi thường kê khai, khấu trừ theo quy định.”
Tại Điểm 2.36, Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn
Hướng dẫn thi hành Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013 của Chính phủ quy định và hướng dẫn thi hành Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp quy định các các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế bao gồm:
“2.36. Các khoản tiền phạt về vi phạm hành chính bao gồm: vi phạm luật giao thông, vi phạm chế độ đăng ký kinh doanh, vi phạm chế độ kế toán thống kê, vi phạm pháp luật về thuế bao gồm cả tiền chậm nộp thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế và các khoản phạt về vi phạm hành chính khác theo quy định của pháp luật.”
Căn cứ các quy định trên, trường hợp Công ty có phát sinh các khoản chi về tiền phạt, bồi thường do vi phạm hợp đồng kinh tế với khách hàng thì khi chi tiền Công ty lập chứng từ chi tiền. Căn cứ vào hợp đồng kinh tế, chứng từ thanh toán trên, Công ty thực hiện xác định tính vào chi phí theo quy định của thuế TNDN.
(Theo Công văn 3529/TCT-CS ngày 22/8/2014 của Tổng cục thuế)
– Trường hợp công trình xây dựng hoàn thành đã lập hóa đơn thanh toán giá trị công trình nhưng khi duyệt quyết toán giá trị công trình XDCB có điều chỉnh giá trị khối lượng xây dựng phải thanh toán thì => Lập hóa đơn điều chỉnh, chứng từ điều chỉnh giá trị công trình phải thanh toán.
Xem thêm: Cách viết hóa đơn điều chỉnh
—————————————————————————————-
2. Thời điểm xác định thuế GTGT
Theo khoản 5 điều 8 Thông tư 219/2013/TT-BTC quy định:
“5. Đối với xây dựng, lắp đặt, bao gồm cả đóng tàu, là thời điểm nghiệm thu, bàn giao công trình, hạng mục công trình, khối lượng xây dựng, lắp đặt hoàn thành, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.”
3. Xác định doanh thu để tính thu nhập chịu thuế TNDN:
Theo Thông tư 78/2014/TT-BTC ngày 18/06/2014 quy định;
“Điều 5. Doanh thu
3. Doanh thu để tính thu nhập chịu thuế trong một số trường hợp xác định như sau: m) Đối với hoạt động xây dựng, lắp đặt là giá trị công trình, giá trị hạng mục công trình hoặc giá trị khối lượng công trình xây dựng, lắp đặt nghiệm thu.
– Trường hợp xây dựng, lắp đặt có bao thầu nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị là số tiền từ hoạt động xây dựng, lắp đặt bao gồm cả giá trị nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị.
– Trường hợp xây dựng, lắp đặt không bao thầu nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị là số tiền từ hoạt động xây dựng, lắp đặt không bao gồm giá trị nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị.”
Cách tính thuế TNDN tạm tính nếu thu tiền trước theo tiến độ:
Theo Điều 17 Thông tư 78/2014/TT-BTC ngày 18/06/2014
“- Trường hợp doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, nhà để chuyển nhượng hoặc cho thuê, có thu tiền ứng trước của khách hàng theo tiến độ dưới mọi hình thức thì thời điểm xác định doanh thu tính thuế TNDN tạm nộp là thời điểm thu tiền của khách hàng, cụ thể:
+ Trường hợp doanh nghiệp có thu tiền của khách hàng mà xác định được chi phí tương ứng với doanh thu đã ghi nhận (bao gồm cả chi phí trích trước của phần dự toán hạng mục công trình chưa hoàn thành tương ứng với doanh thu đã ghi nhận) thì doanh nghiệp kê khai nộp thuế TNDN theo doanh thu trừ chi phí.
+ Trường hợp doanh nghiệp có thu tiền của khách hàng mà chưa xác định được chi phí tương ứng với doanh thu thì doanh nghiệp kê khai tạm nộp thuế TNDN theo tỷ lệ 1% trên doanh thu thu được tiền và doanh thu này chưa phải tính vào doanh thu tính thuế TNDN trong năm.
Khi bàn giao bất động sản doanh nghiệp phải thực hiện quyết toán thuế TNDN và quyết toán lại số thuế TNDN phải nộp. Trường hợp số thuế TNDN đã tạm nộp thấp hơn số thuế TNDN phải nộp thì doanh nghiệp phải nộp đủ số thuế còn thiếu vào Ngân sách Nhà nước. Trường hợp số thuế TNDN đã tạm nộp lớn hơn số thuế phải nộp thì doanh nghiệp được trừ số thuế nộp thừa vào số thuế TNDN phải nộp của kỳ tiếp theo hoặc được hoàn lại số thuế đã nộp thừa.
Đối với doanh nghiệp kinh doanh bất động sản có thu tiền ứng trước của khách hàng theo tiến độ và kê khai tạm nộp thuế theo tỷ lệ % trên doanh thu thu được tiền, doanh thu này chưa phải tính vào doanh thu tính thuế TNDN trong năm đồng thời có phát sinh chi phí quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại, hoa hồng môi giới khi bắt đầu chào bán vào năm phát sinh doanh thu thu tiền theo tiến độ thì chưa tính các khoản chi phí này vào năm phát sinh chi phí. Các khoản chi phí quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại, hoa hồng môi giới này được tính vào chi phí được trừ theo mức khống chế theo quy định vào năm đầu tiên bàn giao bất động sản, phát sinh doanh thu tính thuế TNDN.”
————————————————————————————–
Bạn có thể cần đọc thêm:
– Các khoản tạm ứng không được xuất hóa đơn mà chỉ theo dõi công nợ 131.
– Loại công trình cuốn chiếu làm đến đâu nghiệm thu đến đó (gọi là phân đoạn, nghiệm thu giai đoạn) => gọi là nghiệm thu giai đoạn thi công, hạng mục nào làm xong nghiệm thu luôn => Khi có biên bản nghiệm thu phải xuất hóa đơn luôn.
Giai đoạn 1:
– Biên bản nghiệm thu giai đoạn 1
– Biên bản xác nhận khối lượng giai đoạn 1
– Bảng quyết toán khối lượng giai đoạn 1
=> Xuất hóa đơn GTGT giai đoạn 1.
Giai đoạn 2:
– Biên bản nghiệm thu giai đoạn 2
– Biên bản xác nhận khối lượng giai đoạn 2
– Bảng quyết toán khối lượng giai đoạn 2
=> Xuất hóa đơn GTGT giai đoạn 2……………….cho đến khi kết thúc công trình.
=> Kết thúc công trình = Các giai đoạn cộng lại:
– Biên bản nghiệm thu khi hoàn thành công trình đưa vào sử dụng
– Biên bản xác nhận khối lượng hoàn thành
– Bảng quyết toán khối lượng công trình
=> Xuất hóa đơn GTGT phần còn lại + thanh lý hợp đồng
Nhưng thực tế:
= > Mỗi lần ứng trước là chủ đầu tư thường yêu cầu xuất hóa đơn mới cho tạm ứng. Do đó để hợp thức hóa tiền tạm ứng cho hóa đơn xuất ra này thì các bạn có thể làm như sau:
– Biên bản nghiệm thu giai đoạn.
– Xác nhận giai đoạn theo dạng cuốn chiếu kiểu này cho đúng luật chế độ sử dụng hóa đơn (Nếu xuất hóa đơn sai thời điểm sẽ bị phạt từ 4 – 8 tr)
Xem thêm: Kinh nghiệm làm kế toán công ty xây dựng